Phân biệt đối xử và sự bảo vệ pháp lý Vô_tính_luyến_ái

Bài chính: Phân biệt đối xử người vô tính

Người vô tính tuần hành trong một lễ hội tự hào

Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Group Processes & Intergroup Relations đã báo cáo rằng những người vô tính bị đánh giá tiêu cực hơn về mặt định kiến, tước đoạt nhân tính và phân biệt đối xử hơn so với các nhóm tính dục thiểu số khác, chẳng hạn như đồng tính nam, đồng tính nữ và song tính. Cả người đồng tính và dị tính đều cho rằng người vô tính không chỉ lạnh lùng, mà còn thú tính và vô độ. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác đã tìm thấy rất ít bằng chứng về sự phân biệt đối xử nghiêm trọng đối với những người vô tính vì tính vô tính của họ. Nhà hoạt động quyền người vô tính, tác giả và blogger Julie Decker đã quan sát thấy rằng các hành vi quấy rối tình dục và bạo lực, chẳng hạn như hiếp dâm sửa chữa, thường nạn nhân hóa cộng đồng vô tính. Nhà xã hội học Mark Carrigan nhìn thấy một phạm vi thỏa hiệp giữa hai luồng tranh luận rằng, mặc dù người vô tính thường hay trải nghiệm sự phân biệt đối xử, bản chất của điều đó lại không hẳn là nỗi ám ảnh kỳ thị mà “thiên về cảm giác bị lề hóa do mọi người thật sự không hiểu về vô tính luyến ái.”

Người vô tính cũng phải đối mặt với định kiến ​​từ cộng đồng LGBT. Nhiều người LGBT cho rằng bất kỳ ai không phải là người đồng tính hoặc song tính đều thẳng và họ thường loại vô tính luyến ái ra khỏi định nghĩa về cộng đồng lục sắc (người queer). Mặc dù có nhiều tổ chức nổi tiếng hỗ trợ cộng đồng LGBTQ, các tổ chức này thường không tiếp cận đến những người vô tính và thư viện không cung cấp tài liệu về vô tính luyến ái. Khi công khai là người vô tính, nhà hoạt động Sara Beth Brooks đã bị nhiều người LGBT nói rằng những người vô tính bị nhầm lẫn trong việc tự nhận dạng bản thân, và tìm kiếm sự chú ý mà họ không xứng đáng có được trong phong trào công bằng xã hội. Các tổ chức LGBT khác, như The Trevor Project và The National LGBTQ Task Force (Lực lượng Đặc nhiệm LGBT Quốc gia), lại thể hiện quan điểm rõ ràng về việc bao gồm người vô tính, bởi vì họ không phải là người dị tính và do đó có thể được tính vào định nghĩa cộng đồng lục sắc (người queer). Một số tổ chức giờ thêm cả chữ A vào trong cụm viết tắt LGBTQ để bao gồm người vô tính, tuy nhiên điều này vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi ở một số tổ chức cộng đồng lục sắc.

Trong một số phạm vi quyền hạn nhất định, người vô tính được bảo vệ về mặt pháp lý. Trong khi Brazil thông qua bộ luật đạo đức quốc gia cấm chỉ bất kỳ thực hành chữa bệnh hay nỗ lực điều trị xu hướng tính dục nào vào năm 1999, thì bang New York của Hoa Kỳ đã xem người vô tính là nhóm đối tượng được bảo vệ. Tuy nhiên, vô tính luyến ái thường không thu hút sự chú ý của công chúng hay nhận sự soi xét đại chúng, do đó, vô tính không được coi như là chủ đề lập pháp nhiều như các xu hướng tính dục khác.